KTS Bùi Thế Long: Người đứng sau các công trình “nhà thở” 24/24

Cuộc trò chuyện của Luxuo với KTS Bùi Thế Long – nhà sáng lập CTA | Creative Architects xoay quanh những công trình “nhà thở” 24/24 bằng gạch của anh và đội ngũ, đồng thời khám phá những phương án kiến trúc mới để trả lại môi trường những gì mà xây dựng đã lấy đi.

Chào KTS Bùi Thế Long! Trong những năm gần đây, CTA thiết kế khá nhiều công trình bằng gạch như Wall House, Chaos House, The Frist, Homestay Di Linh,… được đăng tải trên nhiều tạp chí kiến trúc nội địa và quốc tế. Anh có thể chia sẻ lý do vì sao anh lựa chọn ứng dụng chất liệu này vào các công trình dân dụng?

Việc sử dụng chất liệu này bắt nguồn từ cảm giác có thể khai thác lâu dài vì chất cảm của gạch khá tốt. Như chúng ta thấy, những chất liệu hiện đại như sơn thường có chất cảm kém hơn và sau một thời gian sẽ nhanh chóng lộ diện dấu vết thời gian (xuống cấp) khiến gia chủ phải tu sửa để làm mới trở lại. Trong khi đó, gạch hay ngói là chất liệu thô mộc, ban đầu trông rất mới, qua thời gian, lớp rêu phủ đóng lên, nhưng vì bản chất là tự nhiên nên hình hài mới này trở nên thân thuộc và gần gũi. Giống như mái nhà ngói ở Hội An vậy, năm tháng đi qua, màu sắc từ lớp bám thời gian càng toát lên vẻ đẹp cổ điển và hoài niệm.

Gạch vốn dĩ là vật liệu phổ biến ở Việt Nam với ưu điểm cách âm, cách nhiệt. Mỗi vùng miền lại đặc trưng bởi loại gạch có kích thước và hình dạng khác nhau. Ở miền nam, nhờ khí hậu ôn hòa mà gạch thường có 4 lỗ để thông thoáng khí; trong khi đó, khí hậu khắc nghiệt ở miền bắc khiến gạch ở đây thường đặc (không có lỗ) để chống nóng và chống rét. Kích thước gạch cũng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Thông thường, gạch thẻ có chất cảm tốt hơn, đạt thẩm mỹ hơn. Gạch càng mỏng, thẩm mỹ càng dễ đạt. Chúng tôi sẽ lựa chọn kích thước gạch phù hợp với công trình vì chất liệu này là có sẵn trên thị trường và không tốn kém chi phí xây dựng.

Wall House – CTA.

Với những công trình bằng gạch (màu nóng) như thế này, anh sẽ tư vấn gia chủ chọn nội thất ra sao để đảm bảo gam sắc hài hòa?

Khi thiết kế một công trình, chúng tôi không tách biệt quá rõ ràng giữa kiến trúc và nội thất. Có những lúc, kiến trúc đã bao hàm nội thất. Chẳng hạn, khi muốn ngồi, bạn sẽ hình dung đến đồ nội thất là chiếc ghế nhưng có những bệ cửa sổ cũng có thể ngồi được.

Chúng tôi hòa lẫn hai yếu tố kiến trúc và nội thất với nhau để tránh khó khăn khi cố gắng áp những đồ dùng vào bên trong. Như vậy, có thể tóm gọn rằng trong quá trình thiết kế thì nội thất tự động sinh ra.

wall house

Wall House – CTA.

Thông thường, gạch sẽ phù hợp với gỗ, sắt và bê tông. Vấn đề khó nhất là kiểm soát tông màu, vì gam sắc gạch hiện tại là đỏ nóng. Trừ trường hợp gia chủ ưa thích màu nóng, còn không, mình sẽ phải giải quyết vấn đề thông tầng để lấy sáng, lấy gió, kết hợp tông màu sáng để khi bước vào ngôi nhà không cảm giác nặng nề và u tối. Chúng tôi sẽ khai thác ưu điểm của gạch và tiết chế nhược điểm, hoặc tìm kiếm một vật liệu bổ sung khác để cân bằng công trình.

Anh có thể giải thích rõ hơn về việc sử dụng vật liệu bổ sung khác để cân bằng công trình?

Wall House là một ví dụ điển hình, với thủ pháp là kết hợp vật liệu vừa hiện đại (sơn) vừa truyền thống (gạch).

Đây là ngôi nhà của ba thế hệ, mà sở thích của mỗi thế hệ lại vô cùng khác biệt. Vì thế, chúng tôi quyết định tách lớp vỏ gạch ra bên ngoài, đóng vai trò như phần tường rào, để các hoạt động hàng ngày không tiếp xúc trực tiếp với nó, đồng thời kéo vườn vào bên trong để tạo ra một không gian thông hoáng và xanh tươi. Ở phòng ngủ và phòng bếp, chúng tôi kết hợp các vật liệu “sạch sẽ” hơn như sơn trắng.Với Wall House, việc kết hợp hiện đại và truyền thống là phù hợp để cân bằng sở thích mỗi thế hệ đồng thời vẫn tạo ra một công trình “thở” 24/24.

Bê tông hóa đang trở thành vấn nạn trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ một số loại vật liệu thân thiện môi trường như một phương án thay thế?

Thị trường đang vận hành như một cỗ máy và bê tông cốt thép chiếm ưu thế vì tính tối ưu của nó. Tính tối ưu này khiến bê tông cốt thép phổ biến nhất và gần như không thể kiểm soát. Chính vì vậy, thay vì sử dụng vật liệu thay thế, chúng ta hãy cố gắng trả lại môi trường một phần tương đối những gì mình đã lấy đi.

Như bạn biết, khi xây một công trình lên một khu đất, dù sử dụng vật liệu gì, thì việc xây dựng đó đã có tác động xấu đến môi trường. Do đó, chúng ta có thể trả lại môi trường một phần bằng cách phân tích kỹ càng trong quá trình xây dựng, đưa nhiều mảng xanh vào, giải quyết hiệu ứng nhà kính bằng cách thiết kế công trình theo hướng thoáng thoáng tự nhiên. Khi ngôi nhà bước vào giai đoạn vận hành, nó sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Năng lượng tiêu tốn bao nhiêu càng ảnh hưởng xấu đến môi trường bấy nhiêu.

Wall House – CTA.

Wall House là một trong những công trình chúng tôi ứng dụng nhiều về thông thoáng tự nhiên, làm sao để không khí bên trong và bên ngoài cân bằng và gần như giống nhau. Hơn nữa, Wall House có điều kiện thuận lợi là nằm trên khoảng vườn còn sót lại của quá trình đô thị hóa. Gia chủ là hai vợ chồng làm nhà giáo đã về hưu. Chúng tôi đã trình bày hai phương án: thiết kế hiện đại và thiết kế bằng gạch, và giải thích cho họ hiểu nếu sử dụng gạch thì sẽ có những ưu điểm cho cá nhân và môi trường như thế nào. Thật rất bất ngờ là cuối cùng cô chú đã chọn phương án thiết kế gạch này, dù đó không phải là lựa chọn của số đông.

Có nghĩa là anh đã thuyết phục được họ?

Tôi không cho rằng đó là thuyết phục mà là trình bày cho họ hiểu thứ mà chúng tôi đang làm. Khi họ hiểu, họ sẽ chọn phương án tốt nhất và cần thiết nhất cho cuộc sống của họ. Khi đó, quá trình làm việc giữa hai bên sẽ dễ dàng. Còn nếu không, tiếp tục sẽ tạo ra “cực hình” cho cả hai.

Ngoài trời, Sân sau, Rừng cây, Cỏ, Vườn, Sân trước, Cây cối, Hồ bơi nhỏ, Bồn tắm, Vòi hoa sen và Vườn Ảnh 2 trên 16 trong Một cái hào đầy cá Koi Bao quanh Ngôi nhà Việt Nam này

Am House.

Ngoài gạch, đâu là những vật liệu mà CTA chủ yếu sử dụng?

Hiện tại, chúng tôi sử dụng 3 vật liệu chính: sơn, gạch và bê tông. Sắp tới, chúng tôi sẽ ứng dụng vật liệu kim loại gỉ. Chất liệu này đã thịnh hành ở nhiều nước quốc tế nhưng chỉ mới manh nha tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây.

Hiện nay, thị trường trong nước đã xuất hiện những nhà cung cấp kim loại gỉ. Thông thường, sắt để trong môi trường từ 3 – 6 tháng sẽ hình thành lớp gỉ, và bám luôn trên đó như một lớp da (lớp sơn) tự nhiên. Lớp gỉ vừa đạt chất cảm vừa bảo vệ tốt hơn cho sắt. Còn khi sơn lên sắt, nếu sơn không kỹ, nước sẽ vào, và qua thời gian, sơn tróc ra và ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. Chúng tôi từng áp dụng nội thất kim loại gỉ này vào nội thất công trình Am House.

Hallway and Dark Hardwood Floor Photo 13 of 16 in A Koi-Filled Moat Surrounds This Vietnamese House from Am house

Am House.

Anh từng chia sẻ về việc nghiên cứu chất liệu đất trong việc xây dựng nhà ở. Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn?

Một số vật liệu ít bê tông hóa là tường đất. Hồi xưa, chi phí xây dựng tường đất (nhà đất) có chi phí thấp nhưng bây giờ chi phí cao vì kỹ thuật đã mai một và tốn khá nhiều công sức. Từ việc chọn loại đất phù hợp, kỹ thuật pha trộn, nén,… khiến quá trình xây dựng kéo dài và tốn kém. Chính vì sự phức tạp và kỳ công mà phương thức này khó phổ biến. Nhưng bất cứ gia chủ nào chú trọng đến môi trường hay ưa thích kỹ thuật xây dựng truyền thống thì công trình sẽ có nét riêng và độc đáo.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!

Theo: https://luxuo.vn/ By Trang Ps

  • C6

    Sau khoảng thời gian dài lập nghiệp ở xa, các…

  • J HOUSE

    Gia chủ của J house là một cô giáo sống…

  • 2HIEN

    Trong ký ức của nhiều người, mái hiên không những…

  • WALL HOUSE

    Theo các nghiên cứu khoa học được công bố gần…